CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VÈ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

THỰC TRẠNG VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT nAM

Sau sáu năm với tám phiên họp, toàn thể đại biểu các quốc gia thành viên do ủy ban đặc biệt của Đại hội đồng Liên hiệp quốc triệu tập để đóng góp xây dựng cho dự thảo, ngày 13/12/2006, tại kỳ họp lần thứ 61 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, toàn thể đại biểu đã nhất trí thông qua Công ước về quyền của NKT. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật quốc tế đầu tiên của xã hội loài người, khẳng định mọi tiếp cận của NKT đều dựa trên quyền của NKT được quy định trong Công ước. Công ước còn nhằm thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo NKT được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả quyền con người và quyền tự do cơ bản, đồng thời, thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của NKT.

Ngày 22/10/2007, Việt Nam đã ký cam kết tham gia Công ước về quyền của NKT. Đến nay, Công ước đã được 136 quốc gia ký kết và 41 quốc gia phê chuẩn. Như vậy, kể từ ngày 03/5/2008, Công ước đã có hiệu lực trên toàn hành tinh. ở Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan đang tích cực chuẩn bị đề án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Công ước này.

Công ước quốc tế về quyền của NKT dành Điều 27 để quy định rõ quyền làm việc của NKT: "Các quốc gia thành viên công nhận quyền được làm việc của NKT, trên cơ sở bình đẳng với người khác; trong đó bao gồm cả quyền có cơ hội kiếm sống bằng một công việc được tự do lựa chọn hoặc chấp nhận trong thị trường lao động và môi trường làm việc mở, hòa nhập và dễ tiếp cận đối với NKT." Điều 27 cũng đề ra 11 biện pháp mà các quốc gia thành viên cần phải thực hiện để bảo đảm quyền làm việc của NKT.

(a) Nghiêm cấm phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật trong các vấn đề có liên quan đến tất cả các hình thức về việc làm, bao gồm các điều kiện tuyển dụng, thuê và nhận vào làm, duy trì việc làm, thăng tiến trong sự nghiệp, các điều kiện lao động an toàn và bảo đảm sức khỏe;

(b) Bảo vệ quyền của NKT, trên cơ sở bình đẳng với người khác, nhằm bảo đảm điều kiện lao động công bằng và thuận lợi, bao gồm cơ hội bình đẳng và được trả lương bình đẳng cho những công việc như nhau, có các điều kiện làm việc an toàn và bảo đảm sức khỏe, bao gồm việc bảo vệ khỏi bị quấy rối và được bồi thường cho nỗi bất bình;

(c) Bảo đảm NKT có thể thực hiện quyền lao động và quyền về công đoàn, bình đẳng với người khác;

(d) Bảo đảm NKT tiếp cận có hiệu quả tới các chương trình chung về hướng dẫn kỹ thuật và dạy nghề, các dịch vụ sắp xếp việc làm, chương trình đào tạo và bổ túc nghề;

(e) Nâng cao cơ hội có việc làm và sự thăng tiến trong nghề nghiệp của NKT trong thị trường lao động cũng như hỗ trợ trong việc tìm việc làm, nhận được việc làm, duy trì việc làm và trở lại làm việc;

(f) Tăng cường khả năng tự tạo việc làm, lập doanh nghiệp, phát triển các hợp tác xã và bắt đầu tạo dựng sự nghiệp riêng;

(g) Tuyển dụng NKT trong khu vực công;

(h) Thúc đẩy việc làm của NKT trong khu vực tư nhân thông qua các chính sách và biện pháp phù hợp, trong đó có thể bao gồm những chương trình hành động được phê chuẩn, sự khuyến khích và các biện pháp khác;

(i) Bảo đảm có sự điều chỉnh hợp lý đối với NKT tại nơi làm việc.

(j) Nâng cao sự tiếp thu kinh nghiệm làm việc của NKT trong thị trường lao động mở.

(k) Thúc đẩy phục hồi nghề nghiệp và chuyên môn, duy trì việc làm và trở lại làm việc của NKT.

Các quốc gia thành viên bảo đảm NKT không bị bắt lao động cực nhọc như nô lệ hay khổ sai; và họ được bảo vệ, trên cơ sở bình đẳng với những người khác, trước những công việc lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc.

Thực trạng về việc làm của NKT tại Việt Nam

Việt Nam hiện có trên 5,3 triệu NKT, chiếm 6,4% dân số. NKT ở độ tuổi lao động từ 16 - 55 (đối với nữ) và từ 16 - 60 (đối với nam), chiếm khoảng 70%. Đa số NKT sống cùng với gia đình và có mức sống nghèo hoặc trung bình. Có trên 50% NKT đang tham gia hoạt động với những việc làm khác nhau nhưng thực chất chỉ có 30% trong số này có việc làm phù hợp, tạo thu nhập tương đối ổn định cho bản thân và gia đình.

Hơn 80% NKT sống cùng với gia đình tại nông thôn. Đại bộ phận họ làm nghề thủ công truyền thống như: đan lát mây tre, bện thừng, làm chổi, dệt đay... Ngoài ra, họ còn làm những nghề trong gia đình như trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Tại nhiều làng nghề truyền thống, họ thực hiện nhiều các công việc không đòi hỏi nhiều sức lực và vận động. ở nhiều nơi, NKT còn làm việc theo tổ, nhóm trong các hợp tác xã cùng một địa phương. Có nhiều người làm việc tại nhà, hợp tác xã giao nguyên liệu và thu nhận sản phẩm. Việc làm của NKT ở nông thôn đã góp phần nhất định vào thu nhập của gia đình và tạo cho họ một cuộc sống độc lập, tạo vị thế bình đẳng và hoà nhập nhất định.

Còn một mảng việc làm của NKT là các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của NKT. Các doanh nghiệp này phần lớn do NKT tự thành lập hoặc được thành lập bởi các thành phần kinh tế khác, nhưng mỗi doanh nghiệp phải đạt được trên 51% NKT làm việc trong tổng số biên chế của đơn vị.

Trong toàn quốc hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của NKT với khoảng hơn 25.000 NKT đang làm việc. Các doanh nghiệp này có quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Có doanh nghiệp có trên 400 NKT đang làm việc như công ty Chân - Thiện - Mỹ ở Hải Dương và Bắc Ninh. Nhưng lại có doanh nghiệp chỉ có 5 đến 6 NKT làm việc.

Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của người tàn tật Việt Nam (VABED) được thành lập tháng 9/2003. Sau 5 năm hoạt động, Hiệp hội đã phát triển từ 113 đến 283 cơ sở hội viên. Hiệp hội đã có một Tạp chí Hướng nghiệp và hoà nhập, ba trung tâm dạy nghề ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh và một Trung tâm Nghệ thuật hướng nghiệp. Hiệp hội đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg, ngày 24/4/2008 dành một số ưu tiên về thuế và vay vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm dành cho NKT.

Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT phải cố gắng năng động, vượt lên để có cơ hội phát triển, đứng vững trong nền kinh tế thị trường. Trước mắt, cần đổi mới phương thức quản lý, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm và tìm được đầu ra cho sản phẩm... Trong nền kinh tế thị trường, nếu NKT không được đào tạo thì không thể tìm được việc làm phù hợp và có thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình, có cơ hội bình đẳng thực sự và hoà nhập đầy đủ.

Trong năm 2005, Nhà nước cấp 11,5 tỉ đồng từ ngân sách vào lĩnh vực dạy nghề ngắn hạn từ 6 đến 11 tháng dành cho NKT. Năm 2006, Nhà nước lại cấp 18 tỉ đồng từ ngân sách cho lĩnh vực này; năm 2007 và năm 2008, mỗi năm có 20 tỷ đồng. Theo quy định, mỗi NKT học nghề ngắn hạn được hỗ trợ 540.000đ/tháng, trong đó có 300.000 đồng học nghề, còn 240.000 đồng là tiền hỗ trợ đi lại, ăn, ở. Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của người tàn tật Việt Nam vừa có công văn gửi các Bộ, ngành chức năng, đề nghị nghiên cứu, nâng mức hỗ trợ từ 540.000 đồng/người lên 700.000 đồng/người vì tình hình trượt giá.

Trong số 283 cơ sở hội viên của VABED, có 57 cơ sở có chức năng dạy nghề. Các cơ sở này đã dạy nghề, đào tạo nghề cho NKT bằng ngân sách nhà nước. Năm 2006, có 416 học viên; năm 2007, có 468 học viên; năm 2008, có 640 học viên là NKT. Sau khi được cấp chứng chỉ học nghề, 70% NKT được bố trí việc làm tại các doanh nghiệp. Họ còn được các cơ sở dạy nghề theo dõi, hỗ trợ trong năm đầu để trụ vững với công việc.

Nhìn lại bức tranh học nghề và tạo việc làm của NKT ở Việt Nam trong những năm qua, chúng ta thừa nhận là đã có một bước tiến bộ hết sức tích cực. Nhận thức của xã hội về NKT đã đổi mới, không còn coi NKT là những người ít có khả năng, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. NKT đã được thừa nhận là những người có khả năng to lớn. Sản phẩm của họ nhiều khi còn hơn cả người không khuyết tật vì cơ hội việc làm rất hiếm hoi nên họ đã tập trung tất cả trí lực, sức lực cho công việc họ được tiếp nhận.

Một số lĩnh vực cần sớm khắc phục và xúc tiến:

1. Các cơ quan ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật cần đôn đốc, giám sát và có biện pháp chế tài về việc thực hiện các Nghị định 81, Nghị định 116 và Thông tư liên tịch 19 về việc thành lập Quỹ việc làm dành cho NKT ở cấp tỉnh.

2. Cần truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lĩnh vực khuyết tật, đặc biệt là việc làm của họ và nêu gương điển hình về việc tiếp nhận NKT vào làm việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

3. Cần đôn đốc thực hiện những quy định trong Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010. Thí dụ, thực hiện 100% các công trình xây dựng và giao thông công cộng thiết kế và xây dựng mới phải theo quy định hiện hành để phù hợp với việc tiếp cận của NKT; 80.000 NKT được học nghề và tạo việc làm phù hợp, bền vững tại các cơ sở dạy nghề, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế trong 5 năm (2006 - 2010).

4. Nhận thức và thái độ tiếp xúc với NKT của đội ngũ nhân viên tại các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề cần được trang bị đầy đủ, phù hợp với NKT.

5. Thúc đẩy hoạt động của Hội đồng tư vấn doanh nghiệp về việc tuyển dụng NKT (BREC) để tư vấn về lĩnh vực tiếp nhận NKT vào làm việc, bao gồm đại diện của các doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức hữu quan.

6. Cần phổ biến và thực thi Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg, ngày 24/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật và công văn số 1680/NHCS-TD ngày 24/6/2008 của Ngân hàng chính sách - Xã hội về hướng dẫn thực hiện vay vốn theo Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg.